Ý nghĩa trường thông tin trong cập nhật diễn biến rừng FRMS

Ý nghĩa trường thông tin trong cập nhật diễn biến rừng trong Phần mềm cập nhật diễn biến rừng

(Đây là Phụ lục 2, trong tài liệu hướng dẫn sử dụng phần mềm cập nhật diễn biến rừng). Bản đồ Lâm nghiệp đăng lên để các bạn có thể xem nhanh hoặc tìm kiếm trên Google dễ tìm ra tài liệu này.

Tài liệu được biên soạn để sử dụng nội bộ cho Phần mềm cập nhật diễn biến rừng. Mục đích của tài liệu này là giúp những người sử dụng phần mềm có một cách hiểu chung về các trường thông tin được sử dụng cũng như một số điều kiện cần thiết khi cập nhật dữ liệu vào phần mềm này.

I. Ý nghĩa của các trường thông tin trong Phần mềm cập nhật diễn biến rừng

1.1. Các chỉ số hành chính

Mã tỉnh (matinh) + Tên tỉnh (tỉnh): Mã tỉnh và tên tỉnh theo quy định của Tổng cục thống kê. Trường này đã được xây dựng sẵn trong phần mềm. Người dùng không cập nhật trường này.Khi tên tỉnh thay đổi, Chi cục kiểm lâm tỉnh sẽ cập nhật tên mới và Tổng cục Lâm nghiệp sẽ cập nhật cho phạm vi toàn quốc.

Mã huyện (mahuyen) + Tên huyện (huyện):Mã huyện và tên huyện theo quy định của Tổng cục thống kê. Trường này đã được xây dựng sẵn trong phần mềm. Người dùng không cập nhật trường này. Khi có thay đổi tên huyện, Hạt kiểm lâm huyện sẽ cập nhật tên mới cho huyện mình quản lý, Chi cục kiểm lâm tỉnh sẽ cập nhật tên trên phạm vi toàn tỉnh và Tổng cục Lâm nghiệp sẽ cập nhật cho phạm vi toàn quốc.

Mã xã (maxa) + tên xã (xã):Mã xã và tên xã theo quy định của Tổng cục thống kê. Trường này được xây dựng sẵn trong phần mềm. Người dùng không cập nhật trường này. Khi có thay đổi tên xã, Hạt kiểm lâm huyện sẽ cập nhật tên mới cho xã mình quản lý, Chi cục kiểm lâm tỉnh sẽ cập nhật tên huyện, xã trên phạm vi toàn tỉnh và Tổng cục Lâm nghiệp sẽ cập nhật cho phạm vi toàn quốc.

Số hiệu tiểu khu (tk): Đây là ký hiệu của tiểu khu. Trong 1 tỉnh, ký hiệu tiểu khu không trùng nhau. Đây là trường bắt buộc phải có (cả trong và ngoài quy hoạch), nếu tiểu khu nào chưa có ký hiệu, thì người dùng phải đặt 1 ký hiệu giả định cho tiểu khu đó, ký hiệu tiểu khu mới đặt không được trùng với các tiểu khu đã có trong tỉnh.

Số hiệu khoảnh (khoanh): Đây là ký hiệu của khoảnh. Trong mỗi tiểu khu, ký hiệu các khoảnh không trùng nhau. Đây là trường bắt buộc phải có (cả trong và ngoài quy hoạch), nếu khoảnh nào chưa có ký hiệu, thì người dùng phải đặt 1 ký hiệu giả định cho khoảnh đó, ký hiệu giả định không được trùng với các khoảnh đã có trong cùng một tiểu khu.

Lô (lo): Là ký hiệu của lô kiểm kê. Trong 1 khoảnh, ký hiệu các lô không trùng nhau. Là trường bắt buộc phải có (cả trong và ngoài quy hoạch). Nếu lô nào chưa có ký hiệu thì người dùng phải đặt 1 ký hiệu giả định cho lô đó, ký hiệu giả định không được trùng với các lô đã có trong cùng một khoảnh. Nguyên tắc đánh số hiệu lô lần đầu theo quy định từ trái sang phải và từ trên xuống dưới theo hình chữ “Z” theo số thứ tự 1, 2, 3, …, nếu lô được chia tách từ lô gốc (1 hoặc 2, …) thì đánh số hiệu lô 1a, 1b, 1c, hoặc 2a; 2b; 2c…. (lô thứ cấp 1), nếu lô được chia tách từ lô thứ cấp 1 thì đánh theo ký hiệu 1a1, 1a2, 1a3,…… tương tự như vậy cho các lần chia tách lô tiếp theo.

Thửa đất (thuad): Ký hiệu của thửa đất. Người dùng không sử dụng trường này khi cập nhật diễn biến.

Tờ bản đồ (tobando): Số hiệu tờ bản đồ địa chính của lô rừng: Người dùng không sử dụng trường này khi cập nhật diễn biến.

Địa danh (ddanh): Tên thôn, bản của lô kiểm kê rừng: Người dùng không sử dụng trường này khi cập nhật diễn biến.

Diện tích (ditch): Diện tích của lô kiểm kê. Đơn vị là ha và có 2 số thập phân.

Trong ứng dụng hiện có 2 loại diện tích:

  • Diện tích bình sai: Do kiểm lâm cung cấp, có 2 số thập phân
  • Diện tích tự động: Được tính dựa trên dữ liệu không gian

Đây là trường bắt buộc người dùng sử dụng khi cập nhật diễn biến. Khi tách, gộp lô hoặc thay đổi diện tích lô, người dùng cần cập nhật diện tích bình sai theo diện tích tự động, hoặc cập nhật diện tích cho lô trên cơ sở hồ sở quản lý của địa phương.

1.2. Các chỉ số đặc điểm của rừng

Tình trạng quy hoạch của lô kiểm kê (nqh): Là trường bắt buộc người dùng sử dụng khi cập nhật diễn biến. Trong phần mềm có 3 mã gồm:

  • Trong quy hoạch (mã 0), là chỉ những lô rừng được quy hoạch cho lâm nghiệp và được phân loại chức năng (xem Mục đích sử dụng).
  • Ngoài quy hoạch (mã 1): Là diện tích rừng không nằm trong 3 loại rừng phòng hộ; đặc dụng; sản xuất nêu trên, vì vậy rừng ngoài quy hoạch không có các chức năng nêu trên. Việc chuyển đổi rừng/đất từ ngoài quy hoạch lâm nghiệp vào trong quy hoạch và ngược lại chỉ được thực hiện khi có hồ sơ của các cấp thẩm quyền (UBND tỉnh).
  • Tình trạng trước khi thay đổi quy hoạch (mã 2): Trường này sử dụng khi “Chuyển mục đích sử dụng đất”.

Mục đích sử dụng, phân loại chính (malr3): Là mã ghi mục đích sử dụng (mục đích chính) của lô kiểm kê. Có 3 loại là:

  • Rừng phòng hộ (mã 1)
  • Rừng đặc dụng (mã 2)
  • Rừng sản xuất (mã 3)

Tất cả các lô rừng/đất nằm trong 3 loại rừng trên được coi là rừng/đất trong quy hoạch lâm nghiệp (mã 0). Lô rừng ngoài quy hoạch (mã 1) không có các chức năng trên. Việc chuyển mục đích sử dụng giữa 3 loài rừng cần có hồ sơ của các cấp có thẩm quyền.

Các trường này sẽ được phần mềm tự động cập nhật khi người dùng chọn mục đích sử dụng (phân loại phụ).

Mục đích sử dụng, phân loại phụ (madsd, mdsd): Là trường ghi ký hiệu mục đích sử dụng của lô kiểm kê rừng, có 12 mục đích sử dụng đất theo Quyết định 689/QĐTCLN-KL ngày 23/12/2013 của Tổng cục Lâm nghiệp:

  • Phòng hộ đầu nguồn (PHDN, mã 1)
  • Phòng hộ chắn sóng (PHCS, mã 2)
  • Phòng hộ chắn cát (PHCC, mã 3)
  • Phòng hộ môi sinh (PHMS, mã 4)
  • Vườn quốc gia (VQG, mã 5)
  • Bảo tồn thiên nhiên (BTTN, mã 6)
  • Nghiên cứu khoa học (NCKH, mã 7)
  • Lịch sử văn hóa, cảnh quan (VHCQ, mã 8)
  • Gỗ lớn (SXGL, mã 9)
  • Gỗ nhỏ (SXGN, mã 10)
  • Tre nứa (SXTN, mã 11)
  • Mục đích sx khác (MDK, mã 12)

Đây là trường bắt buộc khi cập nhật diễn biến đối với những lô rừng nằm trong quy hoạch 3 loại rừng. Riêng đối với loại rừng sản xuất gỗ lớn và gỗ nhỏ, thông tin rừng loại gì là do kiểm lâm địa phương quyết định dựa trên hồ sơ quản lý hoặc cơ sở thực tiễn, tuy nhiên 2 trường này hiện cũng không xuất hiện trong các báo cáo (trong báo cáo diện tích rừng sản xuất không tách riêng các loại rừng phụ). Đối với lô rừng nằm ngoài quy hoạch thì không có mã mục đích sử dụng. Nếu địa phương yêu cầu đưa mã mục đích sử dụng cho lô rừng ngoài quy hoạch, cần có hồ sơ xác nhận của cơ quan có thẩm quyền thì mới được cập nhật.

Điều kiện lập địa: Là điều kiện lập địa của lô kiểm kê rừng. Có 6 loại lập địa gồm:

  • Núi đất (mã 1)
  • Núi đá (mã 2)
  • Đất ngập mặn (mã 3)
  • Đất ngập phèn (mã 4)
  • Đất ngập ngọt (mã 5)
  • Bãi cát (mã 6)

Đây là trường bắt buộc khi cập nhật diễn biến. Đối với các lô rừng đã có điều kiện lập địa trong phần mềm thì người dùng không thay đổi được điều kiện lập địa, trừ trường hợp đặc biệt làm thay đổi điều kiện lập địa (ví dụ ngập do xói lở, làm đập vv….) thì người dùng cập nhật lại điều kiện lập địa mới theo hồ sơ quản lý. Đối với lô rừng chưa có trong phần mềm, kiểm lâm địa phương xác định điều kiện lập địa định dựa vào hồ sơ quản lý hoặc điều kiện thực tế để cập nhật.

Loại đất, loại rừng (maldlr và ldlr): Là mã và tên trạng thái rừng và đất không có rừng. Đây là trường bắt buộc khi cập nhật diễn biến. Các trạng thái này do kiểm lâm địa phương quyết định dựa trên cơ sở hồ sơ quản lý rừng. Có 98 loại đất loại rừng đã được liệt kê sẵn trong phần mềm, khi cập nhật diễn biến, người dùng chọn 1 trong số 98 loại đất loại rừng có trong danh sách của phần mềm.

Nguồn gốc rừng (nggocr): Là hiện trạng trước đây của lô rừng hiện tại. Có 3 loại hiện trạng gồm:

  • Rừng tự nhiên (mã 1)
  • Rừng trồng (mã 2)
  • Đất chưa có rừng (mã 3)

Hiện trạng trước đây của lô rừng do kiểm lâm địa phương quyết định trên cơ sở hồ sơ quản lý rừng. Người dùng không cập nhật trường này khi cập nhật diễn biến vì thông tinđã có trong lịch sử lô rừng.

Mã số tình trạng nguyên sinh: Trường này chỉ áp dụng đối với rừng tự nhiên. Có 2 mã cho tình trạng nguyên sinh:

  • Rừng nguyên sinh (mã 1)
  • Rừng thứ sinh (mã 2)

Nguồn gốc rừng trồng (nggocrt): Có 3 nguồn gốc rừng trồng

  • Trồng trên đất chưa có rừng trước đây (mã 1)
  • Trồng trên đất đã từng có rừng (mã 2)
  • Tái sinh từ rừng trồng (mã 3)

Việc xác định nguồn gốc rừng trồng do kiểm lâm địa phương quyết định trên cơ sở hồ sơ quản lý. Đây là trường không bắt buộc sử dụng khi cập nhật.

Thành rừng (thanhrung): Trong phần mềm, trường thông tin “thành rừng” chỉ áp dụng cho rừng trồng, có 2 mã gồm:

  • Đã thành rừng (mã 1)
  • Chưa thành rừng (mã 2)

Đây là trường bắt buộc khi cập nhật diễn biến khi chuyển “đất đã trồng nhưng chưa thành rừng” sang “rừng trồng”. Việc xác định là rừng trồng đã thành rừng hay chưa thành rừng là do kiểm lâm địa phương xác định theo hồ sơ quản lý trên cơ sở Quyết định số 46/2007/QĐ-BNN ngày 28 tháng 5 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc xác định rừng trồng, rừng khoanh nuôi thành rừng (áp dụng cho rừng trong quy hoạch sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước và các nguồn vốn khác). Đối với rừng ngoài quy hoạch và rừng không bắt buộc nghiệm thu theo Quyết định 46/2007/QĐ-BNN thì kiểm lâm địa phương xác định thành rừng hay chưa thành rừng trên cơ sở hồ sơ thực tế.

Loại đất loại rừng phụ (sldlr): Là tên loài cây hoặc nhóm loài cây trồng rừng. Đây là trường bắt buộc người dùng sử dụng khi cập nhật diễn biến. Tên loài cây và mã loài đã được xây dựng trong phần mềm. Các mã từ 1-499 dùng cho loài cây có tên đầy đủ (ví dụ Keo lá tram hoặc Bạch đàn chanh), nếu tên loài cây chưa được xác định đầy đủ (ví dụ Keo hoặc Bạch đàn) thì dùng tên của Chi (mã từ 500-599). Đối với các lô mà có cây trồng không có trong danh sách của phần mềm, thì kiểm lâm địa phương căn cứ vào tốc độ sinh trưởng của loài đó (đối với cây gỗ) và tuỳ vào đó có phải cây đặc sản hay không mà chọn mà chọn 1 trong các loài khác có mã từ 990-999 trong danh sách.

Năm trồng rừng (namtr): Là năm trồng rừng của lô kiểm kê. Đây là trường bắt buộc sử dụng khi cập nhật diễn biến. Nếu lô rừng trồng nào thiếu năm trồng, thì người dùng phải bổ sung trên cơ sở hồ sơ quản lý rừng tại địa phương.

Cấp tuổi (captuoi): Chỉ áp dụng cho rừng trồng cây thân gỗ. Là số năm trung bình của một cấp tuổi cho 1 loài cây trồng. Căn cứ vào tốc độ sinh trưởng của loài, cấp tuổi được chia thành 3 loại:

  • Các loài sinh trưởng nhanh: Số năm cho 1 cấp tuổi là 3 (Ví dụ các loài Keo, Bạch đàn vv..)
  • Các loài sinh trưởng trung bình: Số năm cho 1 cấp tuổi là 5 (ví dụ: Bồ kết, Chò chỉ vv..)
  • Các loài sinh trưởng chậm, số năm cho 1 cấp tuổi là 10 (ví dụ: Táu mật, Lim xanh vv..)

Đối với rừng trồng hỗn loài, cấp tuổi sẽ lấy của loài có số cây trồng chính trong lô, trong trường hợp hai loài có vai trò như nhau hoặc trồng hỗ giao trên 2 loài thì lấy loài ghi trước (ví dụ Keo lai + Lim xanh, thì lấy cấp tuổi theo Keo lai), trong trường hợp hỗn loài nhưng chỉ có 1 loài rõ tên, các loài khác tên không đây đủ nên không xác định được thì lấy cấp tuổi theo loài đã xác định được tên.

Đây là trường bắt buộc sử dụng trong khi cập nhật diễn biến. Cấp tuổi đã được xác định trong danh sách tên loài và mã loài cây trồng rừng. Trong ứng dụng, khi cập nhật diễn biến, người sử dụng chỉ cần điền năm trồng, cấp tuổi đã được xây dựng tự động theo công thức sau:

Cấp tuổi của rừng = ((năm điều tra+1) – năm trồng rừng)/năm trung bình của 1 cấp tuổi của loài cây

Hiện nay trong báo cáo chỉ xây dựng 5 cấp tuổi cho rừng trồng, từ cấp tuổi > 4 cho vào cấp tuổi 5.

Đối với các loài cây không có trong danh sách cây trồng trong phần mềm, người dùng chọn “Loài khác”, có mã từ 990-999 tuỳ vào tốc độ sinh trưởng và có là cây đặc sản hay không và cập nhật năm trồng rừng, cấp tuổi của rừng trồng sẽ tự động tính trong báo cáo. Một điều cần chú ý là theo ĐTKKR, cấp tuổi chỉ áp dụng cho rừng trồng đã thành rừng, vì vậy phần mềm TDDBR&ĐLN cũng được xây dựng theo nguyên tắc đó, như vậy cấp tuổi trong các báo cáo thực tế không phải được tính bắt đầu từ năm trồng rừng mà từ khi rừng trồng chưa thành rừng chuyển lên rừng trồng đã thành rừng. Tải về danh sách loài cây phổ biến ở Việt Nam có trong phần mềm FRMS tại đây. Quý vị có thể tra nhanh ở bảng dưới.

[wpdatatable id=9 table_view=regular]

Khép tán (ktan): Chỉ áp dụng cho rừng trồng. Việc xác nhận rừng đã khép tán hay chưa do kiểm lâm địa phương quyết định trên cơ sở hồ sơ quản lý. Đây là trường không bắt buộc sử dụng khi cập nhật diễn biến rừng. Nếu cần cập nhật chỉ số này Rừng đã khép tán (mã là 1) và Rừng chưa khép tán (mã là 2).

Trữ lượng gỗ, m3/ha (mgo): Trữ lượng gỗ cây đứng của lô kiểm kê rừng tính theo đơn vị m3/ha. Đây là trường bắt buộc khi cập nhật diễn biến liên quan đến trữ lượng gỗ. Chỉ cập nhật trữ lượng cho những lô có diễn biến, những lô không có diễn biến thì không cập nhật. Thông tin về trữ lượng gỗ của lô có diễn biến do chủ rừng cung cấp, nếu chủ rừng không có thông tin, khi cần cập nhật kiểm lâm địa bàn lấy giá trị bình quân cho trạng thái rừng theo kết quả Điều tra kiểm kê rừng để cập nhật. Đối với rừng trồng chưa thành rừng, khi chuyển lên rừng trồng đã thành rừng, lấy trữ lượng theo bảng tra nhanh trữ lượng phục vụ công tác kiểm kê rừng hoặc do kiểm lâm địa phương quyết định trữ lượng căn cứ vào hồ sơ/tình hình thực tế.

Trữ lượng gỗ cây đứng của lô rừng, m3/lô (mgolo): Là trữ lượng gỗ cây đứng của lô rừng, tính bằng m3/lô. Khi cập nhật tương tự như trên. Trữ lượng gỗ của lô rừng = trữ lượng gỗm3/ha x diện tích lô rừng. Người dùng không cần cập nhật, phần mềm sẽ tự động tính sau khi cập nhật trữ lượng/ha.

Trữ lượng tre, nứa, cau, dừa, 1000 cây/ha (mtn): Là trữ lượng tre, nứa, cau, dừa theo đơn vị 1000 cây/ha. Khi cập nhật tương tự trữ lượng gỗ mô tả trên.

Số cây tre nứa, cau, dừa của lô, 1000 cây/lô (mtnlo): Là số lượng cây tre nứa, cau dừa của lô tính bằng đơn vị 1000 cây/lô. Số cây tre nứa, cau dừa trong 1 lô được tính trên cơ sở số cây/ha và diện tích lô rừng. Khi cập nhật diễn biến áp dụng như đối với trữ lượng cây đứng gỗ nêu trên. Người dùng không cần cập nhật số cây/lô, phần mềm sẽ tự động tính sau khi cập nhật số cây/ha.

1.3. Các chỉ số đối tượng sử dụng đất

Đối tượng sử dụng (dtuong): Là trường ghi mã số đối tượng sử dụng đất của lô rừng kiểm kê. Có 11 đối tượng sử dụng đất sau:

TT Đối tượng sử dụng Ký hiệu đối tượng sử dụng Mã số đối tượng sử dụng
1 Hộ gia đinh, cá nhân HGD 1
2 Cộng đồng CD 2
TT Đối tượng sử dụng Ký hiệu đối tượng sử dụng Mã số đối tượng sử dụng
3 UBND xã UBNDX 3
4 Ban quản lý rừng phòng hộ BQLRPH 4
5 Lâm trường QD LTQD 5
6 Công ty LN CTLN 6
7 Doanh nghiệp tư nhân DNTN 7
8 Doanh nghiệp Nước ngoài DNNN 8
9 Đối tượng khác KHAC 9
10 Ban quản lý rừng đặc dụng BQLRDD 10
11 Các đơn vị vũ trang DVVT 11

(QĐ 689/QĐ-TCLN-KL ngày 23 tháng 12 năm 2013) Đối tượng sử dụng trên được chia làm 2 nhóm:

  • Nhóm 1: Các đối tượng sử dụng có mã từ 1-3
  • Nhóm 2: Các đối tượng sử dụng có mã từ 4-11

Hiện nay, không còn Lâm trường QD do đã chuyển thành công ty, vì vậy, Lâm trường quốc doanh và Công ty lâm nghiệp được gộp thành Doanh nghiệp Nhà nước. Đây là trường bắt buộc sử dụng khi cập nhật diễn biến. Đối tượng sử dụng trong phần mềm sẽ được cập nhật tự động khi các thông tin về “Quản lý chủ rừng“ được điền đầy đủ thông tin.

Mã và tên chủ rừng (machur, churung): Là mã số và tên của mỗi một chủ rừng. Mỗi chủ rừng hoặc nhóm chủ rừng nhóm I (hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng, UBND xã) trong một xã chỉ một mã số riêng, không trùng với mã số của chủ rừng hoặc nhóm chủ rừng khác.

Mã chủ rừng nhóm I có thể là số thứ tự của chủ rừng trong nhóm I của từng xã.

Mỗi chủ rừng nhóm II (các ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng, lâm trường quốc doanh/công ty lâm nghiệp, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nước ngoài vv..) trong một tỉnh có một mã riêng, không trùng với mã số của chủ rừng khác. Nếu mã số của chủ rừng nhóm II có diện tích nằm gọn trong một tỉnh, được xác định bằng cách cộng số thứ tự của chủ rừng đó có trong danh sách chủ rừng lớn của tỉnh với 9000. Mã số của chủ rừng nhóm II có diện tích nằm trên nhiều tỉnh được xác định bằng cách cộng số thứ tự của chủ rừng với số 9500.

Đây là trường bắt buộc phải sử dụng khi cập nhật diễn biến cho lô rừng.

Danh sách chủ rừng của địa phương đã được nhập sẵn trong phần mềm. Trường hợp chủ rừng mới chưa có trong danh sách trong phần mềm thì cần tạo thêm tên chủ rừng mới. Khi cập nhật tên chủ mới cần chú ý tới mã số chủ rừng không được trùng mới mã của chủ rừng khác đã có trong phần mềm. Nếu lô rừng chưa có thông tin về mã và tên chủ rừng thì đặt mã và tên ghi là nhập là “Thiếu tên chủ rừng”.

Quyền sử dụng (quyensd): Là trường ghi mã số tình trạng quyền sử dụng đất của lô rừng kiểm kê. Có 4 tình trạng quyền sử dụng đất sau:

TT Tình trạng quyền sử dụng đất Mã số
1 Có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 01 (sổ đỏ) 1
2 Có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 02 (sổ xanh, sổ lâm bạ, khế ước) 2
3 Có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khác (quyết định, công văn tạm giao, xác nhận vv..) 3
4 Chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất: Chưa có các loại giấy tờ trên 4

Đây là trường bắt buộc khi cập nhật diễn biến cho lô rừng. Hiện 4 loại quyền sử dụng đất đã được tích hợp sẵn vào phần mềm FRMS, người sử dụng khi cập nhật chỉ cần chọn trong 1 trong 4 loại để cập nhật. Việc xác định quyền sử dụng đất do địa phương quyết định dựa vào hồ sơ quản lý.

Thời hạn sử dụng đất (thoihansd): Là trường ghi năm hết hạn sử dụng đất của lô rừng đối với chủ rừng theo giấy chứng nhận quyền sử đất. Nếu trong giấy không ghi thời hạn sử dụng thì thời hạn sử dụng được ghi là 2100. Đây là trường không bắt buộc phải nhập khi cập nhật diễn biến cho lô rừng.

Tranh chấp (trchap): Là trường ghi mã số của tình trạng tranh chấp của lô rừng kiểm kê, có 2 tình trạng tranh chấp sau:

  • Tranh chấp, mã = 1.
  • Không tranh chấp, mã số = 2

Đây là trường bắt buộc phải nhập khi cập nhật cho lô diễn biến

Mã và tên người tranh chấp (mangtrch, nguoitrch): Là trường ghi mã và tên người tranh chấp. Mỗi người tranh chấp có một mã số riêng, không trùng với mã số của người tranh chấp khác trong cùng một xã. Đây là trường không bắt buộc phải nhập khi cập nhật diễn biến cho lô rừng.

Mã tình trạng Khoán bảo vệ rừng (khoan): Là trường ghi mã số tình trạng khoán bảo vệ của lô kiểm kê rừng thuộc chủ rừng nhóm II. Đây là trường không bắt buộc phải nhập khi cập nhật diễn biến cho lô rừng. Có hai tình trạng nhận khoán sau:

  • Nhận khoán, mã 1
  • Không nhận khoán, mã 2

Mã và tên người nhận khoán (mangnk, nguoink): Là trường ghi mã và tên người nhận khoán bảo vệ rừng các chủ rừng thuộc nhóm II. Mỗi người nhận khoán có một số mã số riêng không trùng với mã số của người nhận khoán khác trong cùng một chủ rừng giao khoán. Đây là trường không bắt buộc phải nhập khi cập nhật diễn biến cho lô rừng.

Lô cũ (locu): Là trường thông tin ghi tên lô theo phiếu kiểm kê rừng (tên lô lúc kiểm kê ở xã). Đây là trường thông tin không bắt buộc phải nhập khi cập nhật diễn biến.

1.4. Các chỉ số cập nhật diễn biến rừng

Khai thác: Đây là trường bắt buộc khi cập nhật diễn biến. Có 2 phương thức là khai thác trắng (mã 1) và khai thác chọn (mã 2).

Khi cập nhật diễn biến cho khai thác rừng. Nếu khai thác trắng trên toàn diện tích của lô thì cập nhật trạng thái rừng cho cả lô theo quy trình. Nếu khai thác trắng thực hiện một phần diện tích của lô thì cần tách lô và cập nhật thông tin cho lô có diễn biến.

Nếu khai thác chọn thực hiện đều trên diện tích cả lô và làm thay đổi trạng thái của lô (trữ lượng từ giàu xuống trung bình, từ trung bình xuống nghèo vv…) thì cập nhật diễn biến (gồm cả trạng thái và trữ lượng thay đổi). Nếu khai thác chọn đều trên toàn bộ lô và không làm thay đổi trạng thái thì chỉ cập nhật trữ lượng, không cập nhật trạng thái. Nếu khai thác chọn ở 1 phần diện tích của lô và làm thay đổi trạng thái rừng nơi diện tích khai thác thì tách lô và cập nhật diễn biến cho lô có thay đổi.

Biện pháp lâm sinh: Đây là trường bắt buộc khi cập nhật diễn biến. Có các biện pháp lâm sinh sau:

  • Trồng mới (mã 11): Trồng rừng trên đất chưa có rừng trước đây
  • Trồng lại (mã 12): Trồng rừng trên đất đã có rừng trước đây sau khai thác, rủi ro vv..

Việc lô rừng trồng thuộc trồng mới hay trồng lại do kiểm lâm địa phương xác định dựa vào hồ sơ quản lý. Cả 2 diễn biến trồng mới và trồng lại đều cho cùng 1 kết quả trong báo cáo là rừng mới trồng chưa thành rừng (mã từ 72-77, tuỳ điều kiện lập địa).

  • Xúc tiến tái sinh tự nhiên (mã 21): Là biện pháp tạo rừng bằng việc hỗ trợ (phát thực bì, xới đất cho hạt tiếp xúc đất, dễ này mầm) và bảo vệ cây tái sinh. Chỉ cập nhật diễn biến này khi kết quả của xúc tiến tái sinh tự nhiên được nghiệm thu thành rừng (theo Quyết định số 46 /2007/QĐ-BNN ngày 28 tháng 5 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Rừng trồng sau khai thác có tái sinh tự nhiên (tái sinh chồi hoặc tái sinh hạt cũng được ghi vào mục khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên, nhưng nguồn gốc rừng là rừng trồng).

Chú ý, khi cập nhật diện tích khoanh nuôi xúc tiến tái sinh thì có 2 trường hợp như sau:

  • Nếu xúc tiến tái sinh “Đất trống có cây tái sinh” và khi thành rừng thì cập nhật diện tích thành rừng vào “Rừng tự nhiên nghèo kiệt” với điều kiện lập địa và loài cây (gỗ, tre nứa, cau dừa vv..) tương ứng, đồng thời chọn ô trống trong chỉ số “thành rừng” thì khi cập nhật diễn biến.
  • Nếu xúc tiến tái sinh sau khai thác rừng trồng và khi thành rừng thì cập nhật thì cho vào rừng trồng theo điều kiện lập địa và loài cây tương ứng. Trong trường hợp này, sử dụng mã “Thành rừng” để cập nhật diễn biến.
  • Trồng bổ sung (mã 22): Là trồng thêm một số cây của các loài theo mục đích sử dụng trên đất đã có rừng (đã thành rừng hoặc chưa thành rừng). Chỉ cập nhật vào phần mềm khi kết quả của trồng bổ sung làm thay đổi trạng thái, trữ lượng rừng.
  • Chăm sóc (mã 31): Chỉ áp dụng cho rừng trồng. Bao gồm các hoạt động làm cỏ, xới đất, bón phân cho rừng mới trồng. Hiện nay, phần mềm được xây dựng để cập nhật những thay đổi về diện tích, trữ lượng, chủ rừng, người nhận khoán, thay đổi mục đích sử dụng, vv.. Không theo dõi các hoạt động tác động vào rừng. Vì vậy hoạt động chăm sóc chỉ cập nhật khi chuyển từ rừng đã trồng chưa thành rừng lên rừng trồng đã thành rừng sau khi được nghiệm thu theo theo Quyết định số 46/2007/QĐ-BNN ngày 28 tháng 5 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
  • Tỉa thưa (mã 32). Hiện nay trong phần mềm, rừng trồng chỉ được phân loại theo loài cây, chưa phân theo trữ lượng và mật độ vì vậy hoạt động tỉa thưa không làm thay đổi trạng thái rừng, nên nếu cập nhật thì diễn biến chỉ thể hiện hoạt động này trong trường hợp này, diễn biến chỉ thể hiện ở Biểu 6 và Biểu 8 và các Biểu về trữ lượng (1B; 2B; 4B), các Biểu khác về diện tích (1A; 2A; 3; 4A; 5; 7) không thể hiện diễn biến này.

Phương thức trồng:

  • Trồng thuần loài: Chỉ trồng 1 loài trên 1 diện tích
  • Trồng hỗn loài: Trồng từ 2 loài trở lên trên 1 diện tích Đây là chỉ số bắt buộc khi cập nhật biện pháp lâm sinh trồng rừng.

Loại rủi ro

Có các loại rủi ro sau:

  • Cháy rừng (mã 1): Chỉ cập nhật khi cháy trên diện tích rừng tự nhiên, rừng trồng đã thành rừng và rừng trồng chưa thành rừng, không cập nhật cháy rừng trên đất trống có cây gỗ tái sinh; Đất trống không có cây gỗ tái ính; Núi đá không có cây; Đất có cây nông nghiệp và Đất lâm nghiệp khác vv..
  • Sâu bệnh hại (mã 2): Chỉ cập nhật khi rừng hoặc rừng trồng chưa thành rừng bị chết hoàn toàn trên một diện tích.
  • Lấn chiếm đất rừng/phá rừng (mã 3): Chỉ cập nhật khi đất rừng bị lấn chiếm đất rừng hoặc phá rừng và làm thay đổi trạng thái.
  • Khai thác trái phép (mã 4): Khai thác trái phép được cập nhật cho mã này. Chỉ cập nhật khi có 1 diện tích rừng bị khai thác làm thay đổi trạng thái rừng (hạ cấp trữ lượng rừng, mất rừng hoàn toàn vv…).

Chuyển đất ra ngoài quy hoạch lâm nghiệp

Là chuyển đổi rừng/đất rừng từ trong quy hoạch ra ngoài quy hoạch lâm nghiệp. Đối với chuyển đổi mục đích ra ngoài quy hoạch lâm nghiệp có 5 loại sau: – Thuỷ điện (mã 1)

  • Khu công nghiệp (mã 2)
  • Làm nông nghiệp, thuỷ sản (mã 3)
  • Công trình công cộng, nhà ở (mã 4)
  • Mục đích khác (mã 5)

Khi chuyển mục đích sử dụng cho lô rừng, thông tin “Tình trạng trước khi thay đổi quy hoạch” với mã là 2 được bổ sung cho lô này.

Nguyên nhân thay đổi diện tích/trữ lượng khác

Các diễn biến khác ngoài các nguyên nhân trên đều cập nhật vào nguyên nhân thay đổi khác. Có 2 loại nguyên nhân thay đổi khác là:

  • Tăng diện tích/trữ lượng rừng (mã 1): Rừng/đất trống đã có từ trước trên thực tế, nhưng chưa được thống kê trong phần mềm (lô này chưa có trong phần mềm) vv….
  • Giảm diện tích/trữ lượng (mã 2): Ví dụ sạt lở; mất rừng do hạn hán, lũ lụt vv….

Thay đổi chủ rừng

Diễn biến này được cập nhật khi có sự thay đổi về chủ rừng (ví dụ như khi có chuyển quyền sử dụng đất, nhà nước thu hồi và giao cho chủ rừng mới), thay đổi quyền và thời hạn sử dụng đất, thay đổi tình trạng tranh chấp và thay đổi tình trạng nhận khoán vv…

Thay đổi 3 loại rừng

Diễn biến này được cập nhật khi có sự thay đổi chức năng (mục đích sử dụng) rừng (ví dụ: rừng phòng hộ đầu nguồn sang rừng sản xuất). Cần phân biệt giữa chuyển đổi chức năng rừng với chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Việc thay đổi chức năng rừng không làm thay đổi tình trạng quy hoạch (rừng vẫn nằm trong quy hoạch 3 loại rừng), trong khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất sẽ làm thay đổi tình trạng quy hoạch (lô rừng được chuyển đổi sẽ được đưa ra khỏi quy hoạch 3 loại rừng và sẽ không còn là đối tượng theo dõi sau này).

Chỉnh sửa dữ liệu

Diễn biến được cập nhật khi thấy có sai lệch thông tin giữa thực tế và thông tin trên Phần mềm (ví dụ thực tế là rừng tự nhiên, nhưng trong phần mềm lô đó là đất trống, khi đó cần chỉnh sửa cho phù hợp với thực tế).

II. Những vấn đề khác cần lưu ý trong quá trình cập nhật diễn biến

Phần này trình bày một số trường hợp đặc biệt thường gặp trong quá trình cập nhật diễn biến rừng và đất lâm nghiệp.

1. Trong phần mềm FRMS loại đất loại rừng là có rừng (tự nhiên hoặc rừng trồng đã thành rừng) nhưng thực tế là đất trống hoặc đất đã trồng nhưng chưa rừng

Trong trường hợp này cần cập nhật diễn biến bằng công cụ “Chỉnh sửa dữ liệu”. Nếu có các diễn biến sau khi điều tra kiểm kê rừng (ví dụ trồng rừng) thì sau khi chỉnh sữa dữ liệu sẽ tiếp tục cập nhật diễn biến trồng rừng.

2. Trong phần mềm FRMS là đất trống nhưng thực thế là rừng (tự nhiên hoặc rừng trồng hoặc).

Trong trường hợp này ta cần cập nhật diễn biến bằng công cụ “Chỉnh sửa dữ liệu”. Nếu có các diễn biến sau khi điều tra kiểm kê rừng (ví dụ khai thác, cháy rừng), sau khi chỉnh sữa dữ liệu sẽ tiếp tục cập nhật diễn biến khai thác hoặc cháy rừng.

3. Khai thác rừng trên đất đã trồng rừng nhưng chưa thành rừng (mã 72-77)

Đối với trường hợp này vẫn cập nhật bình thường. Trong các Biểu báo cáo, tổng diện tích “Đất chưa có rừng trong lâm nghiệp” sẽ không thay đổi, nhưng phần tổng phụ “đất đã trồng rừng nhưng chưa thành rừng” sẽ giảm, và 1 loại đất trống tương ứng khác sẽ tăng.

4. Trồng rừng không thành công và sau đó trồng lại

Trong trường hợp rừng mới nhưng không thành rừng thì cập nguyên nhân không thành rừng trước (ví dụ rủi ro hoặc nguyên nhân thay đổi khác), sau đó mới cập nhật trồng lại (mã 12). Cần mô tả nguyên nhân dẫn đến rừng trồng không thành công.

5. Phân loại rừng theo trữ lượng

Hiện nay tổng diện tích rừng theo trữ lượng kết xuất từ phần mềm so với tổng diện tích rừng theo trữ lượng của ĐTKKR là khớp nhau, tuy nhiên nếu so sánh diện tích rừng nghèo, rừng nghèo kiệt thì khác nhau vì các phân loại trong phần mềm khác với phân loại trong ĐTKKR, cụ thể, trong ĐTKKR có các loại “Rừng giàu”; “Rừng trung bình”; “Rừng nghèo”; “Rừng nghèo kiệt” và “Rừng chưa có trữ lượng”; nhưng trong phần mềm được phân loại gồm “Rừng giàu”; “Rừng trung bình”; “Rừng nghèo”; “Rừng nghèo kiệt” và “Rừng phục hồi”, vì vậy mặc dù Tổng diện tích rừng theo trữ lượng trong 2 phương pháp là bằng nhau, nhưng “diện tích rừng nghèo” và “Rừng nghèo kiệt” trong phần mềm là khác nhau. Trong phần mềm, các loại rừng được tính dựa trên mã các loại rừng đã được xây dựng, và không có mã cho “Rừng chưa có trữ lượng”.

6. Phân loại rừng trồng theo cấp tuổi

Hiện nay, Biểu 4A (Diện tích rừng trồng phân theo loài cây và cấp tuổi), khi so sánh số liệu ĐTKKR và số liệu trong phần mềm thì tổng diện tích rừng trồng đã khớp nhau, tuy nhiên khi xem đến diện tích rừng trồng theo các cấp tuổi thì chưa khớp nhau. Nguyên nhân là do cách tính cấp tuổi trong ĐTKKR khác với cách tính cấp tuổi trong phần mềm. Trong phần mềm, công thức tính diện tích rừng theo cấp tuổi được tính theo công thức sau:

Cấp tuổi của rừng = ((năm điều tra+1) – năm trồng rừng)/ (cấp tuổi của loài cây)

Recommended For You

About the Author: Admin

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.