Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, tỉnh Cà Mau

Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, tỉnh Cà Mau

THÔNG TIN CHUNG

Vị trí địa lý

  • 08°32’ – 08°49’ Vĩ độ Bắc
  • 104°40’ – 104°55’ Kinh độ Đông

Xem vị trí trên Google Maps

Diện tích

Tổng diện tích: 41.862 ha

  • Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt: 12.203 ha
  • Phân khu phục hồi sinh thái: 2.859 ha
  • Phân khu hành chính, dịch vụ: 200 ha
  • Bảo tồn biển: 26.600 ha

LƯỢC SỬ HÌNH THÀNH

Năm 1986, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ] quy định bảo vệ 73 khu rừng cấm tại Quyết định số 194/CT ngày 09/8/1986, trong đó có Khu bảo tồn thiên nhiên Đất Mũi. Ngày 14/7/2003, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chuyển hạng Khu bảo tồn thiên nhiên Đất Mũi thành Vườn quốc gia Mũi Cà Mau tại Quyết định số 142/2003/QĐ-TTg.

Vườn quốc gia Mũi Cà Mau thuộc địa phận hành chính các xã Đất Mũi, Viên Anh, huyện Ngọc Hiển; các xã Đất Mới, Lâm Hải, huyện Năm Căn và Nguyễn Việt Khải, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau. Ban quản lý Vườn quốc gia Mũi Cà Mau trực thuộc ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau. 

HỆ SINH THÁI ĐẶC TRƯNG

Mũi Cà Mau là điểm cực Nam của Việt Nam, là nơi duy nhất ở Việt Nam tiếp giáp cả hai vùng biển Tây (Vịnh Thái Lan) và biển Đông, chịu ảnh hưởng bởi hai chế độ thủy triều tạo nên một vùng sinh thái cửa sông và ven biển độc đáo với các hệ sinh thái đặc trưng như: hệ thống diễn thế rừng nguyên sinh trên đất bãi bồi; hệ sinh thái biển; hệ sinh thái rừng chuyến từ rừng ngập mặn sang rừng tràm ngập nước ngọt theo mùa.

HỆ THỰC VẬT

Đã ghi nhận ở đây 27/32 loài cây ngập mặn và 28 loài khác tham gia vào hệ thực vật vùng đất này. Trong đó, chiếm ưu thể trong tổ thành rừng là các loài Mắm trắng (Avicennia alba), Mắm lưỡi đồng (Avicennia officinalis), Mắm quăn (Avicennia marina), Đước (Rhizophora apiculata), Trang (Kandelia candel). Có 02 loài trong Sách đỏ Việt Nam năm 2007 là Đước đôi (Rhizophora apiculata) và Quao nước (Dolichandrone spathacea). 

KHU HỆ ĐỘNG VẬT

Đã ghi nhận 28 loài Thú, 101 loài Chim và 43 loài Bò sát – lưỡng cư, trong đó, có 11 loài Thú và 16 loài Bò sát – Lưỡng cư có tên trong Sách đỏ Việt Nam năm 2017, Danh lục đỏ quốc tế IUCN hoặc Nghị định số 06/2019/NĐ-CP, như: Khỉ đuôi dài (Macaca fascicularis), Cà khu, Rái cá lông mũi (Lutra sumatrana), Rắn hổ (Elapidae) và những loài chim quý như: Giang sen (Mycteria leucocephala), Bồ nông chân xám hay Chàng bè (Pelecanus philippensis). Lớp Chim có 11 loài quý hiểm, 7 loài đang bi đe dọa cấp quốc gia và 7 loài đang bi đe dọa cấp toàn cầu. Nơi đây còn là sinh cảnh cho nhiều loài chim di trú, như: Cà kheo (Recurvirostridae), Cò Trung quốc (Egretta eulophotes), Bồ nông chân xám (Pelecanus philippensis), Giang sen, Quắn trắng (Helicia albiflora).

KHU HỆ CÁ VÀ THỦY SẢN

Đã ghi nhận 139 loài Cá, thuộc 89 giống, 55 họ, 21 bộ với nhiều loài quý hiếm, có giá trị kinh tế. Hiện đã xác định được 53 loài giáp xác thuộc 30 giống, 18 họ và 4 bộ; 63 loài thân mềm thuộc 28 họ và 8 giống, 9 bộ.

THÔNG TIN DU LỊCH

Vườn quốc gia Mũi Cà Mau thuộc khu dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau, được Ban thư ký Công ước Ramsar công nhận là khu Ramsar thứ 05 của Việt Nam và thứ 2.088 thể giới; nổi tiếng với các điểm du lịch, như: cồn ông Trang, có cảnh quan, sinh thái rừng ngập mặn lý thú; Mốc biểu tượng GPS 0001 là biểu tượng Mũi tàu Cà Mau; Mốc điểm cuối đường Hồ Chí Minh; biểu tượng Cột cờ Hà Nội tại Cà Mau; Đền thờ Lạc Long Quân – Tượng Mẫu Âu Cơ; bãi bồi biển Tây và hệ sinh thái rừng ngập mặn, khám phá hệ sinh thái rừng ngập mặn thông qua các tuyến du lịch xuyên rừng,… là những nơi hấp dẫn, thu hút du khách. 

THÔNG TIN LIÊN HỆ

  • Liên hệ: Ban quản lý Vườn quốc gia Mũi Cà Mau
  • Địa chỉ: Ấp Rạch Tàu Đông, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau
  • Điện thoại: 02903.870.545
  • Email: [email protected]

NGUỒN

  • Tên tài liệu: Các Khu rừng Đặc dụng Việt Nam
  • Nhà Xuất bản Nông nghiệp năm 2021
  • Đăng ký KHXB số 4385 – 2021/CXBIPH/1-187/NN ngày 01/12/2021 Quyết định xuất bản số: 43/QĐ-NXBNN ngày 02/12/2021
  • ISBN: 978-604-60-3413-1

Xem thêm thông tin về các VQG khác

Recommended For You

About the Author: Admin