Vườn Quốc gia Xuân Thủy, tỉnh Nam Định

VƯỜN QUỐC GIA XUÂN THỦY

THÔNG TIN CHUNG

Vị trí địa lý

  • 11°47’27”-11°59’20” Vĩ độ Bắc
  • 107°53’10”-108°6’32” Kinh độ Đông

Xem vị trí trên Google Maps

Diện tích

Tổng diện tích: 7.100 ha

  • Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt: 5.380 ha
  • Phân khu phục hồi sinh thái:  1.710 ha
  • Phân khu hành chính, dịch vụ: 10 ha

LƯỢC SỬ HÌNH THÀNH

Ngày 19/01/1995, Bộ Lâm nghiệp (nay là Bộ Nông nghiệp và PTNT) phê duyệt luận chứng kinh tế kỹ thuật Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Xuân Thuỷ trực thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nam Hà (nay là Nam Định), nằm trong hệ thống các Vườn quốc gia và Khu bảo tồn thiên nhiên của Việt Nam. Ngày 02/01/2003, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 01/2003/QĐ-TTg về việc chuyển hạng Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Xuân Thuỷ thành Vườn quốc gia Xuân Thuỷ.

Vườn quốc gia Xuân Thủy nằm ở phía Đông Nam huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định, ngay tại cửa Ba Lạt của sông Hồng. Ban quản lý Vườn quốc gia Xuân Thủy trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Nam Định. 

HỆ SINH THÁI ĐẶC TRƯNG

Đặc trưng của Vườn quốc gia Xuân Thủy là các hệ sinh thái đất ngập nước; trong đó, có bãi triều lầy có rừng ngập mặn, bãi triều lầy không có rừng ngập mặn, như: đầm nuôi tôm và cồn cát vùng cửa sông luôn có những biển động lớn bởi các quá trình phát triển tự nhiên và do hoạt động khai thác, sử dụng của con người.

HỆ THỰC VẬT

Đã ghi nhận 202 loài thực vật bậc cao có mạch, thuộc 145 chi, 62 họ, bao gồm các loài cây ngập mặn chủ yếu. Tại đây có 07 loài chính, như: Sú (Aegiceras corniculatum), Bần chua (Sonneratia caseolaris), Trang (Kandelia candel), Đước (Rhizophora apiculata),…

KHU HỆ ĐỘNG VẬT

Đã ghi nhận 386 loài động vật không xương sống ở đáy thuộc 6 ngành, 11 lớp, 38 bộ, 106 họ, 206 giống; 110 loài động vật nổi thuộc các phân lớp Giáp xác chân chèo (Copepoda), nhóm giáp xác râu chẻ (Cladocera), 154 loài Cá thuộc 14 bộ và 53 họ; 37 loài Bò sát, Ếch nhái; 427 loài và dạng loài Côn trùng. Đặc biệt, tại đây có khu hệ chim khá phong phú, đã thống kê được 222 loài Chim thuộc 42 họ của 12 bộ; trong đó, có 166 loài chim di cư (chiếm 75,45% tổng số loài chim); 51 loài chim định cư (23,18%) và 3 loài chim lang thang (1,36%). Một số loài chim quý, hiếm như: Cò thìa (Platalea minor), Rẽ mỏ thìa (Eurynorhynchus pygmeus), Choắt chân màng lớn (Limnodromus semipalmatus), Choắt đốm đen (Tringa stagnatilis), Choắt mỏ vàng (Tringa guttifer), Cò trắng Trung Quốc (Egretta eulophotes), Te vàng (Vanellus cinereus), Mòng bể mỏ ngắn (Saundersilarus saundersi), Bồ nông (Pelecanidae/Pelecanus), Cò lạo An Độ (Mycteria leucocephala),…

THÔNG TIN DU LỊCH

Vườn quốc gia Xuân Thủy là khu Ramsar đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á; nằm trong Khu dự trữ sinh quyển Đồng bằng ven biển Châu thổ Sông Hồng; là vùng đất ngập nước với sinh cảnh đặc trưng tạo nên sự hấp dẫn đặc biệt với du khách muốn trải nghiệm tìm hiểu cây rừng ngập mặn, khai thác hải sản dưới tán rừng, thử làm ngư dân.

Với tuyển du lịch xem chim nổi tiếng, tập trung ở những sinh cảnh đầm tôm, cồn Lu và cồn Xanh là điểm đến đầy lý thú. Kết hợp với khám phá thiên nhiên, theo xuồng ngắm cảnh rừng ngập mặn, thăm cửa Ba Lạt (cửa sông Hồng đổ ra biển), ngắm ngọn Hải Đăng (Tiền Hải – Thái Bình), trải nghiệm các hoạt động bắt ngao, bắt còng cáy, lội rừng tìm hiểu về rừng ngập mặn tại Xuân Thủy.

THÔNG TIN LIÊN HỆ

  • Liên hệ: Ban quản lý Vườn quốc gia Xuân Thủy
  • Địa chỉ: Xã Giao Thiện, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định
  • Điện thoại: (0350) 3741 501; Fax: (0350) 3895125
  • Website: vuonquocgiaxuanthuy.org.vn
  • Email: [email protected]

NGUỒN

  • Tên tài liệu: Các Khu rừng Đặc dụng Việt Nam
  • Nhà Xuất bản Nông nghiệp năm 2021
  • Đăng ký KHXB số 4385 – 2021/CXBIPH/1-187/NN ngày 01/12/2021 Quyết định xuất bản số: 43/QĐ-NXBNN ngày 02/12/2021
  • ISBN: 978-604-60-3413-1

Xem thêm thông tin về các VQG khác

Recommended For You

About the Author: Admin