Vườn Quốc gia Lò Gò – Xa Mát, tỉnh Tây Ninh

Vườn Quốc gia Lò Gò – Xa Mát, tỉnh Tây Ninh

THÔNG TIN CHUNG

Vị trí địa lý

  • 11°00’30” – 11°47’00” Vĩ độ Bắc
  • 105°57’00” – 106°07’10” Kinh độ Đông

Xem vị trí trên Google Maps

Diện tích

Tổng diện tích: 30.023,13 ha

  • Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt: 10.615,16 ha
  • Phân khu phục hồi sinh thái: 19.227,51 ha
  • Phân khu hành chính, dịch vụ: 130,46 ha

LƯỢC SỬ HÌNH THÀNH

Ngày 31/3/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Văn bản số 394/TTg-NN đồng ý về chủ trương sáp nhập Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát với Khu rừng Văn hóa – Lịch sử Chàng Riệc trên cơ sở Quyết định số 91/2002/QĐ-TTg ngày 12/7/2002 của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển Khu bảo tồn thiên nhiên Lò Gò – Xa Mát thành Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát, tỉnh Tây Ninh và Quyết định số định số 12/2002/QĐ -TTg ngày 14/01/2002 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Khu rừng Văn hóa – Lịch sử Chàng Riệc. Ngày 01/6/2020, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh ban hành Quyết định số 1098/ QĐ-UBND về việc thành lập Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát mới trên cơ sở sáp nhập với Khu rừng Văn hóa – Lịch sử Chàng Riệc.

Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát nằm trên địa bàn 6 xã: Tân Lập, Tân Bình, Hòa Hiệp, Thạch Tây, Thạch Bắc và Thạch Bình, huyện Tân Biên. Ban quản lý Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát trực thuộc ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh.

HỆ SINH THÁI ĐẶC TRƯNG

Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát có hệ sinh thái đặc trưng của vùng chuyển tiếp từ Nam Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ xuống Đồng bằng sông Cửu Long, có các dạng địa hình đồi thấp, bàu, trảng đất ngập nước theo mùa, các sông, suối tự nhiên,… tạo thành các kiểu thảm thực vật chính: 

  • Rừng nguyên sinh và thứ sinh thường xanh cây lá rộng theo mùa; 
  • Rừng sao dầu thứ sinh trên đất ngập nước theo mùa; 
  • Rừng khô thưa thứ sinh ngập nước theo mùa trên đất ngập nước ưu thể họ Sao dầu và Tràm; 
  • Rừng khô ngập nước theo mùa ưu thể Tràm và cây bụi gai; 
  • Rừng thứ sinh cây bụi trảng cỏ ngập nước ven sông, lòng suối và Trảng cỏ ngập nước theo mùa.

HỆ THỰC VẬT

Đã ghi nhận 934 loài thuộc 6 ngành thực vật, 57 bộ, 128 họ và 492 chi; trong đó, có 21 loài thuộc Danh lục đỏ thể giới IUCN, Sách đỏ Việt Nam năm 2007 và Nghị định số 06/2019/NĐ-CP. Một số loài thực vật quý hiếm như: Giáng hương trái to (Pterocarpus macrocarpus), Gõ đỏ (Afzelia xylocarpa), Trắc đen (Dalbergia nigrescens Kurz), Gõ mật (Sindora siamensis),…

  • 934 loài thực vật
  • 21 loài thuộc Danh lục đỏ thế giới IUCN Sách đỏ Việt Nam và NĐ số 06/2019/ NĐ-CP

KHU HỆ ĐỘNG VẬT

Đã ghi nhận có 580 loài động vật, bao gồm: lớp Thú 42 loài, lớp Chim 203 loài, lớp Bò sát 59 loài, lớp Lưỡng cư 25 loài, lớp Côn trùng 128 loài, lớp Cá 88 loài và 35 loài động vật đáy. Trong đó, có 40 loài thuộc danh mục các loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiểm (chiếm 3,41%).

Một số loài động vật quý hiếm như: Voọc chà vá chân đen (Pygathrix nigripes), Voọc bạc (Trachypithecus margarita), Dơi chó tai ngắn (Cynopterus brachyotis), Mèo rừng (Prionailurus bengalensis), Chồn Bạc Má (Melogale personata), Gà lôi hông tía (Lophura diardi), Sếu cổ trụi (Sểu đầu đỏ) (Grus antigone sharpii)

THÔNG TIN DU LỊCH

Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát có những giá trị đa dạng sinh học rất cao với nhiều hệ sinh thái tự nhiên đa dạng, ngoài ra còn có nhiều di tích lịch sử trong các thời kỳ kháng chiến chống ngoại xâm của quân và dân miền Đông Nam Bộ đã tạo nên một tiềm năng lớn để phát triển du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng gắn với các di tích lịch sử.

Một số tuyển, điểm du lịch nổi bật tại Vườn như: tham quan Trảng ngập nước Tà Nốt, Đài quan sát chim; tham quan tổng hợp rừng sao dầu, rừng tràm và rừng kín thường xanh nửa rụng lá và trảng cỏ; tham quan đường sông từ bển Lò Gò đi Suối Vắt, tham quan Sông Vàm cỏ Đông, cột mốc biên giới 132, Vàm suối Đa Ha; tham quan điểm văn hoá di tích lịch sử (Bia tưởng niệm Ban Tuyên huấn Trung ương cục Miền Nam, Trường Nguyễn Văn Trỗi]; Căn cứ Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam, rừng dầu khu vực Đa Ha, Trảng Tà Nốt, Trảng Tân Thanh. 

THÔNG TIN LIÊN HỆ

  • Liên hệ: Ban quản lý Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát
  • Địa chỉ: xã Tân Bình, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh
  • Điện thoại: 0276.3874018
  • Email: vqglogoxamat.tayninh.gov.vn

NGUỒN

  • Tên tài liệu: Các Khu rừng Đặc dụng Việt Nam
  • Nhà Xuất bản Nông nghiệp năm 2021
  • Đăng ký KHXB số 4385 – 2021/CXBIPH/1-187/NN ngày 01/12/2021 Quyết định xuất bản số: 43/QĐ-NXBNN ngày 02/12/2021
  • ISBN: 978-604-60-3413-1

Xem thêm thông tin về các VQG khác

Recommended For You

About the Author: Admin