Vườn Quốc gia Hoàng Liên, tỉnh Lào Cai

Vườn Quốc gia Hoàng Liên, tỉnh Lào Cai

THÔNG TIN CHUNG

Vị trí địa lý

  • 22°07’00”- 22°23’00” Vĩ độ Bắc
  • 103°00’00”-104°09’40” Kinh độ Đông

Xem vị trí trên Google Maps

Diện tích

Tổng diện tích: 28.498 ha

  • Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt: 10.449,78 ha
  • Phân khu phục hồi sinh thái: 17.821,19 ha
  • Phân khu hành chính, dịch vụ: 227,03 ha

LƯỢC SỬ HÌNH THÀNH

Vườn quốc gia Hoàng Liên tiền thân là Khu bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên Sa Pa được ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai thành lập năm 1994, thuộc hệ thống khu rừng cấm Việt Nam được Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) quyết định phê duyệt tại Quyết định số 194/CT, ngày 09/08/1986.

Vườn quốc gia Hoàng Liên được Thủ tướng Chính phủ thành lập năm 2002 tại Quyết định số 90/2002/QĐ-TTg, ngày 12/7/2002, trên cơ sở chuyển hạng từ Khu bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên Sa Pa, thuộc địa giới hành chính huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai và huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu. Ban quản lý Vườn quốc gia Hoàng Liên trực thuộc ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai.

HỆ SINH THÁI ĐẶC TRƯNG

Vườn quốc gia Hoàng Liên là nơi chứa đựng khá đầy đủ các hệ sinh thái (HST) rừng phân hóa theo độ cao: HST rừng ôn đới núi cao, lạnh (chiếm 2,4%); HST rừng kín thường xanh, ẩm ôn đới núi vừa (chiếm 54,0%); HST rừng kín thường xanh mưa ẩm á nhiệt đới núi thấp (chiếm 42,9%); HST rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới núi thấp (chiếm 0,7%).

HỆ THỰC VẬT

Đã ghi nhận 2.847 loài thực vật có mạch thuộc 1.064 chi và 229 họ trong đó có 03 loài cây đặc biệt quý hiếm là: loài Bách xanh (Calocedrus macrolepis Kurz), Thông đỏ (Taxus wallichiana Zucc), Vân sam Hoàng Liên (Sam lạnh] (Abies delavayi subsp), các loài đặc hữu như: Hoàng thảo ngọc vạn (Dendrobium crystallinum), Thanh đạm tuyết ngọc (Coelogyne mooreana), Lan môi ẩn vàng rủ (Cryptochilus lutea). Nơi đây có 06 quần thể cây có tuổi trung bình lên đến 500 năm và đã được công nhận là cây di sản Việt Nam gồm: Vân sam (Abies delavayi subsp.), Thiết sam (Tsuga dumosa), Đỗ quyên cành thô, Đỗ quyên hoa đỏ (Rhododendron agastum var. pennivenium), Trâm ổi (Lantana camara) và Hồng quang (Rhodoleia championii).

KHU HỆ ĐỘNG VẬT

Đã ghi nhận được 555 loài động vật có xương sống trên cạn, trong đó: Thú 96 loài, Chim 346 loài, Bò sát 63 loài và Lưỡng thể 50 loài; 304 loài Bướm, thuộc 138 giống, 10 họ, trong đó có rất nhiều loài bướm đẹp không những có giá trị bảo tồn, thương mại mà còn có giá trị tham quan du lịch và thẩm mỹ và có nhiều loài bướm chưa được tìm thấy ở các vùng miền khác của đất nước. 

THÔNG TIN DU LỊCH

Vườn quốc gia Hoàng Liên hiện đã và đang xúc tiến mở nhiều tuyến điểm du lịch như: Tuyển leo núi chinh phục đỉnh Fansipan; Tuyển du lịch sinh thái Suối Vàng Thác Tình yêu, Vũng Rồng Giếng Tiên; Tuyển tham quan rừng già cổ thụ, quần thể cây Di sản,…

Ngoài các điểm du lịch trong vùng lõi, trong khu vực các xã vùng đệm còn có các điểm du lịch hấp dẫn như: Thác Bạc, Núi Hàm Rồng, Thác Cát Cát, Thác Cá Nhảy, Thác La Ve, suối nước nóng ở xã Bản Hồ, cổng trời Sa Pa, Ruộng bậc thang Sa Pa.

THÔNG TIN LIÊN HỆ

Liên hệ: Ban quản lý Vườn quốc gia Hoàng Liên

Địa chỉ: Trụ sở Ban quản lý Vườn quốc Hoàng Liên, Số 89 đường Nguyễn Chí Thanh, tổ 4, phường Phan Si Păng, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai

Điện thoại: 02143.871.494 

NGUỒN

  • Tên tài liệu: Các Khu rừng Đặc dụng Việt Nam
  • Nhà Xuất bản Nông nghiệp năm 2021
  • Đăng ký KHXB số 4385 – 2021/CXBIPH/1-187/NN ngày 01/12/2021 Quyết định xuất bản số: 43/QĐ-NXBNN ngày 02/12/2021
  • ISBN: 978-604-60-3413-1

Xem thêm thông tin về các VQG khác

Recommended For You

About the Author: Admin