Vườn Quốc gia Cúc Phương, tỉnh Ninh Bình

Vườn Quốc gia Cúc Phương, tỉnh Ninh Bình

THÔNG TIN CHUNG

Vị trí địa lý

  • 20°14’12” – 20°23’52” Vĩ độ Bắc
  • 105°27’58” – 105°41’11” Kinh độ Đông

Xem vị trí trên Google Maps

Diện tích

Tổng diện tích: 22.408,8 ha

  • Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt: 16.731,9 ha
  • Phân khu phục hồi sinh thái: 4.065,2 ha
  • Phân khu hành chính, dịch vụ: 1.612,7 ha

LƯỢC SỬ HÌNH THÀNH

Vườn quốc gia Cúc Phương là Vườn quốc gia đầu tiên của Việt Nam, được thành lập theo Quyết định số 72-TTg ngày 7/7/1962 của Thủ tướng Chính phủ, nằm trên địa bàn 14 xã, trong đó có 8 xã của 2 huyện Lạc Sơn và Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình; 3 xã của huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình và 3 xã của huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa. Năm 1988, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) đã phê duyệt luận chứng kinh tế kỹ thuật xây dựng VQG Cúc Phương với diện tích điều chỉnh là 22.200 ha tại Quyết định số 139-CT ngày 09/5/1988. Ban quản lý VQG Cúc Phương trực thuộc Tổng cục Lâm nghiệp Bộ NN & PTNT.

HỆ SINH THÁI ĐẶC TRƯNG

Cúc Phương thuộc kiểu rừng nhiệt đới thường xanh đai thấp; đặc trưng là các hệ sinh thái chuyển tiếp giữa núi đá vôi và núi đất. Diện tích rừng chủ yếu là các lớp quần hệ rừng rậm nhiệt đới thường xanh trên đất thấp và núi thấp (< 500 m), phong hóa từ đá phiến và đá vôi. Các kiểu thảm thực vật rừng này thể hiện tính đặc trưng của các hệ sinh thái núi đá vôi và tính đa dạng sinh học cao. 

HỆ THỰC VẬT

Đã ghi nhận 2.234 loài, thuộc 931 chi, 231 họ thực vật. Trong đó, có 430 loài cây thuốc, 229 loài cây ăn được, 240 loài cây có thể sử dụng làm thuốc chữa bệnh, 57 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam năm 2007 và Sách đỏ IUCN năm 2020 và 15 loài thực vật đặc hữu như: Trà hoa vàng Cúc Phương (Camellia cucphuongensis); Thu hải đường Cúc Phương (Begonia cucphuongensis); Lan Việt; Trâm Cúc Phương; Di hùng Cúc Phương,… 

  • 2.234 loài thực vật
  • 57 loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam năm 2007
  • 15 loài thực vật đặc hữu

KHU HỆ ĐỘNG VẬT

Đã ghi nhận 669 loài động vật có xương sống thuộc 120 họ, 35 bộ, bao gồm: Thú 138, Chim 337, Bò sát 80, Lưỡng cư 48, Cá 66 loài. Trong đó, có 73 loài động vật có tên trong Sách Đỏ Việt Nam và Danh lục IUCN 2020, 3 loài đặc hữu: Sóc bụng đỏ đuôi hoe (Callosciurus erythraeus), Cá Niết Cúc Phương (Pterocryptis cucphuongensis) và Thằn lằn tai Cúc Phương (Tropidophorus cucphuongensis). Động vật không xương sống có 1.899 loài thuộc 169 họ, 33 bộ, 6 lớp và 3 ngành. Trong đó, lớp côn trùng đóng vai trò chính có số lượng rất lớn như Bộ cánh cứng 454 loài, Bộ cánh vảy 378 loài và Bộ cánh màng 314 loài

  • 669 loài động vật
  • 73 loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam năm 2007 và Danh lục IUCN
  • 03 loài đặc hữu

THÔNG TIN DU LỊCH

Trên cơ sở tiềm năng về đa dạng sinh học, cảnh quan tự nhiên, các thành tựu nghiên cứu khoa học lâm nghiệp, kểt quả công tác cứu hộ bảo tồn, giá trị văn hóa cộng đồng bản địa và đội ngũ nhân sự không ngừng được nâng cao trình độ và kỹ năng, Cúc Phương đã tổ chức được “hệ sinh thái” du lịch với nhiều chương trình và sản phẩm, nhất là các chương trình tham quan, trải nghiệm, khám phá thiên nhiên, văn hóa bản địa với sứ mệnh giáo dục, nâng cao nhận thức về môi trường, thiên nhiên được Vườn đặc biệt chú trọng.

Một số chương trình du lịch nổi bật: thăm Động Người Xưa, các cây cổ thụ, xem chim, xem thú đêm, chinh phục đỉnh cao Mây Bạc – “nóc nhà Cúc Phương”, hành trình xuyên rừng, ngủ bản,… Thời gian gần đây, Tour “Về Nhà – tham gia tái thả động vật sau cứu hộ”, Trồng cây “Thêm xanh cho cánh rừng già” tham gia Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh của Chính phủ, Hội xuân Cúc Phương vào dịp Tết Nguyên Đán, “Hành trình hồi sinh” – tham gia quy trình cứu hộ, chăm sóc động vật hoang dã, Bộ Chương trình Giáo dục trải nghiệm thiên nhiên dành cho học sinh phổ thông các cấp,… là những sản phẩm của Vườn đã tạo nên thương hiệu du lịch sinh thái Vườn quốc gia Cúc Phương. 

THÔNG TIN LIÊN HỆ VƯỜN QUÓC GIA CÚC PHƯƠNG

NGUỒN

  • Tên tài liệu: Các Khu rừng Đặc dụng Việt Nam
  • Nhà Xuất bản Nông nghiệp năm 2021
  • Đăng ký KHXB số 4385 – 2021/CXBIPH/1-187/NN ngày 01/12/2021 Quyết định xuất bản số: 43/QĐ-NXBNN ngày 02/12/2021
  • ISBN: 978-604-60-3413-1

Xem thêm thông tin về các VQG khác

Recommended For You

About the Author: Admin