Vườn Quốc gia Ba Vì, Thành phố Hà Nội

VƯỜN QUỐC GIA BA VÌ, TP HÀ NỘI

THÔNG TIN CHUNG

Vị trí địa lý

  • 20°55’ – 21°07’ Vĩ độ Bắc
  • 105°18’ – 105°30’ Kinh độ Đông

Xem vị trí trên Google Maps

Diện tích

Tổng: 9.702,41 ha

Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt: 1.718,56 ha

Phân khu phục hồi sinh thái: 7.511,68 ha

Phân khu hành chính, dịch vụ: 472.17 ha

LƯỢC SỬ HÌNH THÀNH

Vườn quốc gia Ba Vì được thành lập tại Quyết định số 17/HĐBT ngày 16/01/1991 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ] về phê duyệt luận chứng kinh tể kỹ thuật thành lập Rừng cấm quốc gia Ba Vì; ngày 12/5/2003, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 510/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch mở rộng diện tích VQG Ba Vì về phía tỉnh Hoà Bình với tổng diện tích tự nhiên là 10.814,6 ha; ngày 26/12/2014 Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh diện tích VQG Ba Vì diện tích trên địa phận tỉnh Hòa Bình tại Quyết định số 2372/QĐ-TTg.

HỆ SINH THÁI ĐẶC TRƯNG

Hệ sinh thái rừng đặc trưng Vườn quốc gia Ba Vì gồm có: Rừng kín thường xanh cây lá rộng mưa ẩm nhiệt đới; Rừng kín thường xanh hỗn hợp cây lá rộng, cây lá kim mưa ẩm cận nhiệt đới.

Vườn quốc gia Ba Vì nằm trên địa giới hành chính của 15 xã, thuộc 05 huyện, 02 tỉnh, thành phố là: các huyện Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai thuộc thành phố Hà Nội và huyện Lương Sơn, thành phố Hòa Bình thuộc tỉnh Hòa Bình. Ban quản lý Vườn quốc gia Ba Vì trực thuộc Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và PTNT. 

HỆ THỰC VẬT

Đã ghi nhận có 2.181 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc 958 chi, 207 họ, 6 ngành; trong đó có 64 loài được ghi nhận trong Sách đỏ Việt Nam, 27 loài ghi trong Nghị định số 06/2019/NĐ-CP, 46 loài được ghi nhận theo tiêu chuẩn của IUCN năm 2020; có 49 loài thực vật tìm thấy lần đầu tại Ba Vì như: Mỡ Ba Vì (Magnolia baviensis), Sặt Ba Vì (Arundinaria baviensis), Bời lời Ba Vì (Litsea baviensis); một số loài đặc trưng như: Bách xanh (Calocedrus macrolepis), Thông tre (Podocarpus neriifolius). Đặc biệt trong Vườn còn quần thể Bách Xanh (Calocedrus macrolepis) nguyên sinh nằm ở độ cao 1.000 m với đường kính ngang ngực 1,5­2,5 m và chiều cao từ 30-40 m.

  • 2.181 loài thực vật bậc cao có mạch
  • 64 loài được ghi nhận trong Sách đỏ Việt Nam
  • 27 loài trong NĐ số 06/2019/NĐ-CP
  • 46 loài được ghi nhận theo tiêu chuẩn của IUCN

KHU HỆ ĐỘNG VẬT

Đã ghi nhận 341 loài động vật, gồm: Thú 54 loài; Chim 193 loài; Bò sát 68 loài; Lưỡng cư 26 loài; Côn trùng 552 loài. Trong đó có 62 loài quý, hiểm, nguy cấp; 32 loài trong Sách đỏ Việt Nam, 41 loài trong Nghị định 06/2019/NĐ-CP như: Rắn Hổ mang chúa (Ophiophagus hannah), Sơn dương (Capricornis sumatraensis), Gà lôi trắng (Lophura nycthemera), Rồng đất (Physignathus cocincinus), cầy vằn (Chrotogale owstoni), Cầy mực (Arctictis binturong), cầy gấm (Prionodon pardicolor), Sóc bay (Petaurista petaurista), Yểng quạ (Eurystomus orientalis), Khướu bạc má (Garrulax chinensis).

  • 341 loài động vật
  • 62 loài quý hiếm, nguy cấp
  • 32 loài trong Sách đỏ Việt Nam
  • 41 loài trong Nghị định 06/2019/NĐ-CP

THÔNG TIN DU LỊCH

Vườn quốc gia Ba Vì có đỉnh núi cao nhất trong 3 đỉnh là 1.296m so với mực nước biển, cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 60km về phía Tây. Vườn có nhiều thác nước tự nhiên có phong cảnh đẹp như: Suối Ngà, Suối Yến,… Thời kỳ Pháp thuộc, thực dân Pháp đã cho xây dựng nhiều nhà nghỉ, khu vui chơi giải trí, nhà thờ, cô nhi viện, trại hè, trường thanh niên và các căn cứ quân sự. Đặc biệt tại độ cao 1.000 – 1.100m sườn Tây đỉnh Tản Viên là hệ thống nhà tù chính trị bí mật được xây dựng kiên cố. Những công trình này hiện giờ còn là phế tích lịch sử vô cùng giá trị, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.

Ngoài ra, Vườn có nhiều điểm du lịch tâm linh thu hút du khách, như: Đền thờ Bác Hồ, Tháp Báo thiên, Đền Trung, Chùa Tản Viên, Động Ngọc Hoa; nhiều điểm khám phá tự nhiên như: Quần thể Bách Xanh cổ thụ đỉnh Tiểu Đồng, cây Bách Xanh cổ thụ được công nhận là cây di sản Việt Nam.

THÔNG TIN LIÊN HỆ

Liên hệ: Ban quản lý Vườn quốc gia Ba vì

Địa chỉ: thôn Việt Long, xã Tản Lĩnh, huyện Ba vì, TP. Hà Nội

Điện thoại: 02433.881.082 Fax: 02433.881.203

Website: Vuonquocgiabavi.com.vn

Email: [email protected] hoặc [email protected]

NGUỒN

  • Tên tài liệu: Các Khu rừng Đặc dụng Việt Nam
  • Nhà Xuất bản Nông nghiệp năm 2021
  • Đăng ký KHXB số 4385 – 2021/CXBIPH/1-187/NN ngày 01/12/2021 Quyết định xuất bản số: 43/QĐ-NXBNN ngày 02/12/2021
  • ISBN: 978-604-60-3413-1

Xem thêm thông tin về các VQG khác

Recommended For You

About the Author: Admin