VƯỜN QUỐC GIA SÔNG THANH
THÔNG TIN CHUNG
Vị trí địa lý
- 15°13’ – 15°41’ Vĩ độ Bắc
- 107°21’ – 107°46’ Kinh độ Đông
Xem vị trí trên Google Maps
Diện tích
Tổng diện tích: 76.669,68 ha
- Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt: 58.225,98 ha
- Phân khu phục hồi sinh thái: 18.367,2 ha
- Phân khu hành chính, dịch vụ: 76,50 ha
LƯỢC SỬ HÌNH THÀNH
Ngày 31/10/2000, ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam ban hành Quyết định số 3849/QĐ-UB về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 214/TTgNN ngày 09/02/2018 về việc chuyển hạng Khu Bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh thành Vườn quốc gia, Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Nam đã ban hành Quyết định số 3689/QĐ-UBND ngày 18/12/2020 về việc chuyển hạng Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh thành Vườn quốc gia Sông Thanh, tỉnh Quảng Nam.
Ngày 25/8/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1432/QĐ-TTg về việc thành lập Ban quản lý Vườn quốc gia Sông Thanh trực thuộc ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam. Vườn quốc gia Sông Thanh nằm trên địa bàn 12 xã, gồm: Tà Bhinh, Tà Pơ ơ, Cà Dy, Chà Val, La Dêê, Đắk Tôi, Đắc Pre, Đắc Pring thuộc huyện Nam Gang và Phước Xuân, Phước Năng, Phước Mỹ, Phước Công thuộc huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam.
HỆ SINH THÁI ĐẶC TRƯNG
Vườn quốc gia Sông Thanh tiếp giáp với các Khu bảo tồn thiên nhiên: Ngọc Linh (tỉnh Kon Tum), Ngọc Linh (tỉnh Quảng Nam) và Khu bảo tồn loài Sao La (tỉnh Quảng Nam) tạo thành vùng sinh thái liên tục trong hành lang đa dạng sinh học của dãy núi Trung Trường Sơn; nằm trong 200 trung tâm đa dạng sinh học toàn cầu (Global 200, WWF 2000); Vùng chim quan trọng (IBA) và Vùng chim đặc hữu (EBA) của Thể giới.
HỆ THỰC VẬT
Đã ghi nhận có 899 loài, 537 chi, 161 họ thuộc 6 ngành thực vật bậc cao có mạch. Trong đó, có 101 loài thuộc Danh lục đỏ quốc tế IUCN, Sách đỏ Việt Nam năm 2007 và Nghị định số 06/2019/ NĐ-CP, như: Lim xanh (Erythrophleum fordii), Pơ mu (Fokienia hodginsii), Lan kim tuyển (Anoectochilus setaceus),…
- 899 loài thực vật
- 101 loài thuộc Danh lục đỏ quốc tế IUCN, Sách đỏ Việt Nam và NĐ số 06/2019/NĐ-CP
KHU HỆ ĐỘNG VẬT
Đã ghi nhận 68 loài thú, 130 loài Chim, 112 loài Bò sát, 56 loài Lưỡng cư, 103 loài Cá và nhiều loài động vật không xương sống. Trong đó, có nhiều loài động vật nguy cấp, quý, hiểm như: 22 loài Thú, 12 loài Chim, 23 loài Bò sát, 4 loài Lưỡng cư và 12 loài Cá trong Sách đỏ Việt Nam năm 2007; 45 loài Thú, 15 loài Chim, 56 loài Bò sát và 01 loài Cá trong Danh lục đỏ quốc tế IUCN (2019]; 23 loài Thú, 12 loài Chim, 17 loài Bò sát trong Nghị định số 06/2019/NĐ-CP. Đặc biệt ở lớp thú, có tới 22 loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam năm 2007 và 45 loài nằm trong Danh lục đỏ quốc tế IUCN. Có 16 loài Chim trong Sách đỏ Việt Nam năm 2007 và 15 loài có tên trong Danh lục Sách đỏ quốc tế IUCN, điển hình như: Voọc chà vá (Pygathrix nemaeus nemaeus), Mang lớn (Muntiacus vuquangensis), Mang Trường Sơn (Muntiacus truongsonensis), Vượn (Nomascus gabriellae), Gấu ngựa (Ursus thibetanus), Trĩ sao (Rheinardia ocellata), Cu xanh mỏ quặp (Treron curvirostra),…
THÔNG TIN DU LỊCH
Vườn quốc gia Sông Thanh với hệ thống các đỉnh núi cao trên 1.000 m tạo nên tính liền mạch trải dài theo dãy Trường Sơn, hình thành khí hậu hoàn toàn khác biệt. Các con sông, khe suối, lòng hồ được kiến tạo bởi độ dốc, địa hình tạo nên điểm đặc biệt trong các hoạt động du lịch sinh thái mạo hiểm. Bên cạnh đó, yếu tố văn hóa, ẩm thực, truyền thống của của các dân tộc địa phương: Cơ Tu, Tà Riềng, Dẻ Triêng, M Nông,… đã làm nên một nét đẹp hoang sơ. Vườn quốc gia Sông Thanh hội tụ đầy đủ các yếu tố và có nhiều tiềm năng cho phát triển du lịch nói chung và du lịch mạo hiểm nói riêng.
Ngoài ra, Vườn quốc gia Sông Thanh còn chứa đựng các di tích lịch sử, văn hóa của đồng bào dân tộc người Cơ Tu, di tích lịch sử đường Hồ Chí Minh và các cảnh quan độc đáo có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, như: Khu di tích lịch sử Bến Giằng, thuộc di tích quốc gia đặc biệt Đường Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh; Khu di tích khảo cổ học Cà Dy và Tà Bhinh là di sản văn hóa Sa Huỳnh; danh lam, thắng cảnh thác Grăng,…
THÔNG TIN LIÊN HỆ
- Liên hệ: Ban quản lý Vườn quốc gia sông Thanh
- Địa chỉ: thôn A Liêng, xã Tà Bhing, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam
- Điện thoại: 0236.379.2396
- Email: [email protected]
NGUỒN
- Tên tài liệu: Các Khu rừng Đặc dụng Việt Nam
- Nhà Xuất bản Nông nghiệp năm 2021
- Đăng ký KHXB số 4385 – 2021/CXBIPH/1-187/NN ngày 01/12/2021 Quyết định xuất bản số: 43/QĐ-NXBNN ngày 02/12/2021
- ISBN: 978-604-60-3413-1
Xem thêm thông tin về các VQG khác